Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 01 tháng 04 năm 2013

Chủ nhật - 11/05/2014 22:36
Về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
TỈNH ỦY SƠN LA
*
Số : 19 – NQ/TU
 
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 
Sơn La, ngày 01 tháng 04 năm 2013
 
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
về phát triển du lịch đến năm 2020,
tầm nhìn đến năm 2030
 
    Sơn la là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch được tạo nên do vị trí địa lý và lịch sử, sự đa dạng về văn hóa các dân tộc; còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, hấp dẫn du khách; có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nổi tiếng như: Nhà ngục Sơn La; Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Cao nguyên Mộc Châu, nhiều hang động, thác nước, vùng lòng hồ sông Đà … và các khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

    Trong những năm gần đây, du lịch của tỉnh đã có bước phát triển tích cực; hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả; nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc dược phục dựng, bảo tồn và phát huy; nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về phát triển du lịch và giá trị kinh tế từ du lịch đem lại được nâng lên; bước đầu đã huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư các khu vui chơi giải trí để phục vụ nhu cầu của du khách; nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như: du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng …; số lượt khách, doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch tăng khá. Hoạt động du lịch dịch vụ đã góp phần tăng trưởng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
    Bên cạnh kết quả đã đạt được, du lịch Sơn La vẫn còn một số hạn chế; chưa xay dựng được thương hiệu du lịch riêng mang đặc trưng của Sơn La; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp, kết cấu hạ tầng du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ. Kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh, phục vụ đạt thấp; vệ sinh môi trường ở các khu điểm du lịch chưa được quan tâm; việc huy động các thành phần kinh tế, nhân dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế; các điểm đến hình thành chưa rõ nét.
    Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do: các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm thu hút đầu tư chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chưa chủ động lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển kết cấu, hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội để phát triển dịch vụ du lịch. Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết chưa được đào tạo về nghiệp vụ; cấp ủy; chính quyền các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
    Để phát huy tiềm năng, lợi thế từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
    I – QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
    1 – Quan điểm
    - Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giữ gìn, tôn tạo di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
    - Quản lý chặt chẽ tài nguyên du lịch, đầu tư phát triển theo quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch hợp lý, có tính độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.
    - Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch; phát huy thế mạnh đặc trưng của tỉnh miền núi nhiều dân tộc; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong cả nước đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Bắc; hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Lào.
    - Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, tuyên truyền, vận động tạo môi trường và hỗ trợ để cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động du lịch có sự thống nhất quản lý của nhà nước.
    2 – Mục tiêu
    2.1 – Đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn, trọng điểm của vùng Tây Bắc, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, nâng cao dân trí, tạo việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững.
    2.2 – Phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển các loại hình du lịch có lợi thế của miền núi, dân tộc, khí hậu. Từng bước hình thành các vùng du lịch trọng điểm; đưa huyện Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước. Xây dựng các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển về bản du lịch cộng đồng.
    2.3 – Phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 20%/ năm. Chú trọng tăng trưởng có chất lượng, hướng tới khách du lịch nghỉ dài ngày và sử dụng nhiều dịch vụ.
    2.4 – Khách du lịch đến Sơn La năm 2014 đạt 01 triệu lượt, năm 2020 khoảng 02 triệu lượt.
    2.5 – Doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 2.000 – 2.500 tỷ đồng.
    2.6 – Đào tạo ngành nghề cho 1.000 lao động; tạo công ăn việc làm cho từ 5.000 dến 7.000 lao động.
    2.7 – Huy động khoảng 7.500 tỷ đồng cho đầu tư phát triển du lịch.
    II – NHIỆM VỤ
    1 – Tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi đầu tư, tranh thủ mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch Mộc Châu; Khu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La.
    2 – Hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung cho quy haochj Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch vùng hồ thủy điện Sơn La; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch về du lịch; công bố công khai cho nhân dân biết để tham gia và thực hiện đúng quy hoạch.
    3 – Đa dạng hóa loại hình dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng để thu hút du khách. Trong đó, taaph trung nghiên cứu lựa chọn, khôi phục lễ hội truyền thống và hiện đại ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh để tạo sản phẩm du lịch liên hoàn trong năm, tạo thêm hình ảnh mới về du lịch Sơn La. Xây dựng biểu tượng du lịch Sơn La làm tiền đề cho sự phát triển sản phẩm du lịch.
    4 – Xây dựng các bản du lịch cộng đồng tại các huyện, thành phố để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch sinh thái đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách. Phát huy tối đa lợi thế về tự nhiên và cảnh quan của mỗi địa phương trong tỉnh gắn với đẩy mạnh phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong các dân tộc.
    5 – Tập trung đầu tư một số điểm du lịch: Ngũ động bản Ôn, Rừng thông bản Áng, Thác dải Yếm, Chùa Vặt Hồng ( huyện Mộc Châu ); Hang Chi Đảy ( huyện Yên Châu ); Hồ Tiền Phong (huyện Mai Sơn); Đền Nàng Han, Cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai); Nhà máy thủy điện Sơn La, Hang Thẳm Bó, Hang Co Nong, Suối nước nóng Mường La (huyện Mường La); Di tích đền thờ vua Lê Thái Tông, Suối nước nóng bản Mòng (thành phố Sơn La); rừng thông Noong Cốp (huyện Phù Yên)… lồng ghép huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển rừng tại các điểm du lịch dọc quốc lộ 6; chú trọng phát triển các loại hoa tạo môi trường cảnh quan và mang sắc thái riêng của Sơn La.
    6 – Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức phục vụ và thu hút khách du lịch; tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực, một số tỉnh Bắc Lào để hình thành các tua du lịch trọng điểm, khai thác nét độc đáo riêng của từng điểm đến, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
    7 – Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ về dịch vụ du lịch, chú trọng lực lượng trong khu vực quản lý nhà nước, sự nghiệp và cộng đồng.
    8 – Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, khai thác và phát huy tối đa hệ thống phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng như tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và các địa phương trong khuân khổ chương trình hợp tác phát triển du lịch.
    III – GIẢI PHÁP
    1 – Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, Đẳng viên và nhân dân về tiềm năng, vị trí, vai trò, triển vọng phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động cho phát triển du lịch.
    2 – Mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú.
    3 – Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo hoạt động đúng hướng. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh du lịch, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động du lịch.
    4 – Đa dạng hóa các loại hình du lịch, khuyến khích đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm quà tặng du lịch gắn với đầu tư phát triển làng, bản nghề truyền thống như: hàng thủ công, mỹ nghệ, hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống chất lượng cao để phục vụ du khách, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
    5 – Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức; tăng cường xuất bản và phát hành các ấn phẩm về du lịch Sơn La; tham gia các hội thảo, hội chợ du lịch, tổ chức các chuyến tham quan, học tập về quản lý và phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Triển khai tổ chức cuộc thi sáng tác, tuyển chọn logo du lịch Sơn la để đảm bảo lựa chọn một sản phẩm trí tuệ mang nét hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn la, đồng thời hài hòa với biểu tượng của du lịch Quốc gia.
    6 – Chú trọng đào tạo vè bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao kỹ năng phục vụ, năng lực chuyên môn, năng lực quản lỹ; có chính sách khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên khá, giỏi chuyên ngành du lịch ra trường về Sơn La làm công tác du lịch.
    7 – Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, thống nhất quản lý khai thác tài nguyên du lịch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, uốn nắn, xử lý các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, thiếu văn minh, lộn xộn trong quản lý vệ sinh môi trường du lịch, xây dựng các công trình không đúng với quy hoạch, phá vỡ cảnh quan du lịch. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các chủ thể quản lý các công trình đầu tư trong du lịch. Quản lý chặt chẽ, thống nhất về tài chính, phân phối lợi nhuận công khai, công bằng, tương xứng với thực tế đầu tư, hiệu quả hoạt động, trong đó chú ý đến các địa phương có tài nguyên du lịch.
    8 – Ngoài các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu phát triển du lịch và các nguồn vốn đầu tư khác; hàng năm ngân sách tỉnh bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đối ứng các dự án đầu tư phát triển du lịch của tỉnh thep Luật Đầu tư, hỗ trợ công tác quảng bá xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương.
    9 – Phát triển các tuor; các tuyến du lịch với các quy mô loại hình khác nhau để phục vụ cho nhiều đối tượng du khách. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, xã hội hóa phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Phối hợp chặt chẽ với 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức các hoạt động phát triển du lịch. Đặc biệt, phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu hình thành tuor du lịch văn hóa, lịch sử.
    10 – Xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch với một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, một số tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội – Trung tâm du lịch lớn của cả nước.
    IV – TỔ CHỨC THỰC HIỆN
    1 – Các cấp Ủy, chỉnh quyền, mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết.
    2 – Giao ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch, đề án; ban hành cơ chế chính sách, lộ trình chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện.
    3 – Ban tuyên giáo tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh tìm hiểu và thực hiện Nghị quyết.
    4 – Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, các cấp có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Đồng thời có phương thức quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế.
    5 – Văn phòng và các ban Đảng tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, 5 năm đánh giá kết quả thực hiện, xây dựng các giải pháp chỉ đạo phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung Nghị quyết đề ra.
Nghị quyết này được phổ biến tới chi bộ./.

 
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư TW;
- Văn phòng các ban đảng TW;
- BCS đảng Bộ Văn hóa, TT và Du lịch;
- Tổng cụ Du lịch
- Ban chỉ đạo Tây Bắc;
- Đảng ủy Quân khu 2;
- Các huyện, thành, Đảng ủy trực thuộc;
- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng;
- Văn phòng và các ban đảng tỉnh ủy;
- Các ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các đồng chí tỉnh ủy viên;
- Lưu.

 
T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
 
 
 
 
 
( đã ký )
Trương Quang Nghĩa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây